Việc chọn được một màu sắc phù hợp cho logo, poster, hay một hình ảnh đăng trên trang social đôi lúc cũng sẽ gặp rất nhiều khó khăn cho người mới bắt đầu.
Nó không chỉ là lựa chọn theo sở thích của một Designer, mà còn là lựa chọn của những yếu tố khác như: định hướng từ thông điệp, tinh thần, xu hướng,…
Trong phần này, bạn sẽ được biết thêm về
Có 2 hệ thống màu sắc mà đa số 1 Graphic Designer cần phải làm việc với nó thường xuyên: RGB, CMYK. Và ở phần cuối của bài học khá quan trọng vì về sau, bạn sẽ sử dụng mã màu một cách thường xuyên trong thiết kế.
Màu RGB là màu xuất hiện trên màn hình các thiết bị cho các nền tảng digital: máy tính, điện thoại, tivi,… RGB là viết tắt của RED (đỏ), GREEN (Xanh lục), BLUE (Xanh lam). 3 màu này sẽ tạo ra nhiều màu khác nhau trên màn hình mà bạn nhìn thấy.
Màu RGB có thông số tăng từ 0 đến 255. Như minh hoạ ở phía dưới thì khi đạt giá trị 0 thì màu hoàn toàn không hiển thị. Còn khi đạt 255 thì màu có cường độ tối đa.
Đọc thêm bài viết: Lộ trình học Thiết kế Đồ hoạ Online
Màu CMYK là màu sử dụng cho các ấn phẩm liên quan đến in ấn. Nó là viết tắt của C = Cyan (xanh lơ), M=Magenta (hồng cánh sen), Y=Yellow (vàng), K=Black (đen).
Việc dùng chữ K để ký hiệu là màu đen vì nếu ký hiệu chữ B thì dễ hiểu là Blue (xanh lam). Ngoài ra, nó còn có nghĩa là Key, tức là màu chính.
3 màu CMY kết hợp với nhau tạo thành màu K
Hỗn hợp 3 màu Cyan, Magenta và Yellow khi in lên cùng một chổ sẽ cho ra màu đen. Nguyên lý làm việc của CMYK là trên cơ sở hấp thụ ánh sáng. Màu mà người ta nhìn thấy là từ phần của ánh sáng không bị hấp thụ. Trong CMYK hồng cánh sen cộng với vàng sẽ cho màu đỏ, hồng cánh sen cộng với xanh lơ cho màu xanh lam, xanh lơ cộng với vàng sinh ra màu xanh lá cây và tổ hợp của các màu xanh lơ, cánh sen và vàng tạo ra màu đen.
Việc sử dụng công nghệ in ấn bốn màu sinh ra kết quả in ấn cuối cùng rất cao cấp với độ tương phản cao hơn. Tuy nhiên màu của vật thể mà người ta nhìn thấy trên màn hình máy tính thông thường có sự sai khác chút ít với màu của nó khi in ra vì các mô hình màu CMYK và RGB.
Thường trong lúc làm việc, các Designer hoặc Photographer họ có thể chủ động chuyển hệ màu RGB thành CMYK trực tiếp trên các phần mềm đồ hoạ.
Hình ảnh minh hoạ cho việc phân tách màu CMYK. Cột bên trái là các màu riêng lẻ Cyan, Magenta, Yellow và Black. Cột bên phải là sự kết hợp giữa Cyan + Black, Magenta + Black, Yellow + Black.
Ngoài ra, trong bài này mình cũng muốn giới thiệu thêm hệ màu SPOT – màu Pantone. Hệ màu này không được sử dụng rộng rãi ở VN bởi vì có chi phí mua màu rất đắt đỏ.
Spot Color là một loại màu đơn sắc, được tạo thành bằng cách sử dụng 1 loại màu có sẵn để pha lại thường dựa vào công thức kết hợp màu được gọi là Pantone Matching System (PMS).
Màu Pantone không hoạt động như cách phủ màu giống CMYK, mà thay vào đó là pha sẵn màu, sau đó dùng màu đã pha để in trực tiếp từng màu đó. Màu Pantone được tiêu chuẩn hoá bằng cách mỗi màu được gắn số và tên riêng. Khi đó, cho dù bạn là ai, ở đâu, thì khi đọc mã số/tên riêng này cho nhà in màu Pantone sẽ cho ra kết quả màu giống nhau nhất. Có độ chuẩn màu cao hơn so với hệ màu CMYK. Do đó, chi phí để in màu Pantone cũng cao hơn rất nhiều.
Đối với hầu hết các công việc liên quan đến in ấn, hầu hết bạn sẽ sử dụng màu Spot hoặc màu CMYK. Nhưng đôi khi việc sử dụng cả hai phương pháp cùng nhau là cần thiết hoặc có lợi. Ví dụ: nhiều logo công ty có màu Pantone của riêng họ, chẳng hạn như màu xanh lá cây của Starbucks hoặc màu đỏ của bảng hiệu McDonald’s, không thể tạo bằng màu CMYK. Trong trường hợp đó, bạn sẽ sử dụng quy trình bốn màu cộng với màu đốm Pantone. – Theo Adobe
Ở những phần trên bạn đã làm quen với các hệ màu sắc, đặc biết là hệ màu CMYK và RGB. Ở phần này chúng ta sẽ có thêm 1 khái niệm về mã màu. Thông thường, trong quá trình làm thiết kế, bạn sẽ sử dụng mã màu CMYK và một mã màu mới gọi là Hex (Hexadecimal) cho nền tảng digital nhiều hơn việc sử dụng màu RGB.
Mỗi mã màu sẽ có những cách ký hiệu khác nhau, dưới đây là một ví dụ về mã màu chủ đạo là màu Xanh Tím mà mình hay sử dụng:
Hex: #5e53dd
RGB: (94,83,221)
CMYK: C=73,27, M=71,29, Y=0, K=0
Về việc chuyển đổi giữa các mã màu, thì các bạn có thể sử dụng các công cụ thiết kế đồ hoạ như Adobe Photoshop, Adobe Illustrator. Hoặc bạn có thể truy cập vào Website Color-hex. Ở website này sẽ có công cụ giúp bạn làm điều đó.
Tổng kết:
Trên đây là một phần kiến thức về màu sắc một cách chọn lọc nhất mà mình gửi đến bạn. Các bạn nhớ lưu ý những phần này để phục vụ cho việc học và trở thành một Nhà thiết kế đồ hoạ chuyên nghiệp nhé. Bạn có thể tham khảo thêm lộ trình học thiết kế đồ hoạ online hoặc đọc tiếp bài 3 ở dưới để biết về cách mà màu sắc hoạt động.
Đọc thêm:
Bài 1: Kiến thức căn bản về thiết kế đồ hoạ
Bài 3: Màu sắc hoạt động như thế nào?
Bài 4: Hướng dẫn phối màu hiệu quả trong thiết kế đồ hoạ
No Comments